Với sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu công bố quốc tế trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu, các cơ sở dữ liệu trực tuyến đã ra đời để hỗ trợ tìm kiếm và xếp hạng các tạp chí theo hiệu quả, đồng thời đánh giá uy tín hoặc ảnh hưởng của tạp chí. Hai trong số các cơ sở dữ liệu quan trọng và phổ biến nhất là ISI (Web of Science) và Scopus. Bài viết này sẽ so sánh hai hệ thống tạp chí khoa học này và đưa ra thông tin gợi ý về việc lựa chọn cơ sở dữ liệu phù hợp khi xuất bản bài báo nghiên cứu, nên ưu tiên cơ sở dữ liệu nào trong tuỳ mục đích, yêu cầu.
1. Vai trò chỉ số Index (lập chỉ mục) trong Tạp chí Khoa học
Một tạp chí khoa học đạt uy tín khi tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quy trình xuất bản và đánh giá, đảm bảo chất lượng nội dung các bài báo và có sự công nhận từ cộng đồng nghiên cứu. Các tạp chí uy tín có thể tăng phạm vi tiếp cận tới người đọc bằng cách lập chỉ mục bài báo bởi một hoặc nhiều CSDL lớn.
Lập chỉ mục (Index) trong nghiên cứu giúp người đọc dễ dàng tìm thấy các nghiên cứu và dữ liệu có liên quan. Đa số các tạp chí có thể đạt được chỉ mục nếu tuân thủ các tiêu chuẩn cụ thể của hệ thống chỉ mục đó. Khi một tạp chí được Index, các bài báo của tạp chí này dễ dàng truy cập rộng rãi và truy xuất thông tin qua các cơ sở lưu trữ dữ liệu. Việc lập Index cũng giúp duy trì đạo đức và chất lượng xuất bản và tăng khả năng hiển thị tới độc giả của một bài báo. Do đó, các nhà nghiên cứu có ý định xuất bản bài báo của mình sẽ tìm kiếm các tạp chí được lập chỉ mục uy tín như Clarivate Analytics, Elsevier, PubMed, Google Scholar và EBSCO.
Hiện nay, có nhiều CSDL yêu cầu Index để xác thực một tạp chí, trong đó có hai CSDL đáng tin cậy và phổ biến nhất được hầu hết các nhà nghiên cứu quan tâm là ISI và Scopus. Các bài báo đăng trên tạp chí có Index phải trải qua quá trình xét duyệt nghiêm ngặt đảm bảo đạt chất lượng để đăng bài.
2. ISI Indexing
ISI (Institute for Scientific Information) là CSDL ban đầu thuộc Viện thông tin khoa học Hoa Kỳ ra đời vào năm 1960. Giai đoạn này ISI bao gồm tập hợp SCI (Science Citation Index) với khoảng khoảng 14.090 tạp chí chuyên ngành về Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ có chất lượng cao và truyền thống lâu đời nhất trên thế giới. Sau đó, tập đoàn truyền thông đa quốc gia của Canada là Thomson Reuters mua lại và sát nhập vào Clarivate Analytics, hiện nay gọi là Web of Science (WOS).
WOS bao gồm cả SCI, SCIE, SSCI và A&HCI với tổng cộng khoảng 21.800.000 Tạp chí khoa học có chất lượng cao thuộc lĩnh vực khoa học, xã hội và các tạp chí khác xuất bản dưới hình thức truy cập mở (Open Access).
3. Scopus
Scopus là cơ sở dữ liệu chứa thư mục tóm tắt và trích dẫn lớn nhất thế giới thuộc sở hữu của nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan). Cơ sở dữ liệu này được Elsevier xây dựng vào năm 2004 và chứa hơn 22.000 sách từ hơn 5.000 nhà xuất bản quốc tế. Về phạm vi bao phủ, Scopus bao gồm các bài báo mới hơn nhiều so với WOS với các bài báo được xuất bản từ năm 1996 trở lại đây.
Để liệt kê vào sanh sách tạp chí của Scopus, các tạp chí phải được lựa chọn nghiêm ngặt. Số lượng tạp chí trong Scopus gần gấp đôi ISI và bao gồm hầu hết các tạp chí khoa học trong danh sách của WoS.
4. So sánh Scopus và WOS
Web of Science (WOS) là cơ sở dữ liệu quốc tế bao gồm nhiều lĩnh vực rộng rãi cho đến năm 2004. Elsevier đã giới thiệu Scopus vào năm 2004 như một CSDL cạnh tranh với WOS. Hai cơ sở dữ liệu này lập index các tạp chí uy tín bằng cách so sánh nhiều tiêu chuẩn khác nhau.
STT | Đặc điểm | WOS (ISI) | Scopus |
1 | Nhà xuất bản | Clarivate Analytics (trước đây là Viện thông tin khoa học Thomson Reuters) | Elsevier |
2 | Quốc gia | Hoa Kì | Hà Lan |
3 | Số lượng tạp chí | 21.800 tạp chí | 43.000 tạp chí |
4 | Phạm vi CSDL | Science Citation Index Expanded (SCIE) xuất bản từ 1990 đến nay. Social Sciences Citation Index (SSCI) tạp chí của các ngành khoa học xã hội, xuất bản từ 1900 đến nay. Arts & Humanities Citation Index (AHCI) tạp chí các ngành nhân văn và nghệ thuật xuất bản từ 1975. Emerging Sources Citation Index (ESCI) tạp chí của tất cả các ngành khoa học. | 4 nhóm lĩnh vực gồm Khoa học sự sống (Life sciences), Khoa học vật lý (Physical sciences), Khoa học sức khỏe (Health sciences) và Khoa học xã hội & nhân văn (Social sciences & Humanities) |
5 | Thời gian ra đời | Từ năm 1960 | Năm 2004 |
6 | Tần số cập nhật | Mỗi tuần | Mỗi ngày |
7 | Phân tích chỉ số trích dẫn | Hạn chế tra cứu miễn phí. Theo dõi trích dẫn, đếm và tính toán H-index của tác giả | Tra cứu miễn phí trích dẫn, đánh giá công bố khoa học của cá nhân và các cơ sở giáo dục đại học. Phân tích thứ hạng Q mỗi năm… |
8 | Thẩm định chất lượng | Thỏa các tiêu chí về mục đích tạp chí, công tác xét duyệt, chất lượng bài báo, ban biên tập, hình thức in ấn và phát hành. | Hệ thống tính điểm STEP thông qua 5 tiêu chí gồm chính sách tạp chí (5%), nội dung (20%), mức độ trích dẫn (25%), tính thường kỳ (10%), sự sẵn có nội dung trực tuyến (10). |
9 | Công cụ đánh giá xếp loại chất lượng tạp chí khoa học | Chỉ số IF (Impact factor, chỉ số ảnh hưởng) có từ năm 1975 | Chỉ số CiteScore (điểm trích dẫn) có từ năm 2016 |
Ghi chú: Bảng so sánh trên mang tính chất tương đối vì do Viện Phát triển Kiến thức Canada (CIKD) thống kê, vì thế kết quả so sánh chỉ mang giá trị tương đối dùng để tham khảo.
4. Các bước xác định tạp chí thuộc danh mục ISI và SCOPUS
Để xác định các tạp chí thuộc danh mục ISI thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập đường link: http://mjl.clarivate.com/. Tạo một tài khoản hoặc Login vào tài khoản đã đăng kí.
Bước 2: Gõ tên đầy đủ của tạp chí cần tra cứu, ISSN hoặc các từ tiêu đề vào khung. Sau đó bấm Search Journals

Bước 3: Tạp chí có nằm trong danh mục ISI sẽ xuất hiện kết quả như Hình sau. Nhấn View profile page để xem các thông số của tạp chí.

Để xác định các tạp chí thuộc danh mục SCOPUS thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang Scimago Journal & Country Rank ( SJR) đường link: https://www.scimagojr.com/

Bước 2: Gõ tên tạp chí, mã ISSN hoặc tên nhà xuất bản để tìm kiếm
Bước 3: Tạp chí trong danh mục SCOPUS sẽ hiển thị thông tin tạp chí, quốc gia và nhà xuất bản bên dưới. Nhấn vào tên tạp chí để xem các chỉ số đánh giá của tạp chí.

Bước 4. Kéo thông tin xuống dưới, người sử dụng có thể xem thứ hạng Q (Quartile) của tạp chí qua mỗi năm. Thứ hạng Q được chia thành bốn nhóm từ Q1 đến Q4, với Q1 là nhóm có chất lượng cao nhất và Q4 là nhóm có chất lượng thấp nhất. Q1 (hiển thị màu xanh lá cây) gồm 25% tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực có chỉ số ảnh hưởng hoặc trích dẫn cao nhất, các tạp chí này thường rất khó để đăng bài vì yêu cầu chất lượng rất cao. Q2 (màu vàng) gồm 25% tiếp theo có chất lượng tốt nhưng không cao bằng Q1. Q3 (màu cam) gồm 25% tiếp theo các tạp chí có chất lượng trung bình. Q4 (màu đỏ) gồm 25% cuối cùng các tạp chí có chất lượng thấp nhất trong hệ thống phân loại này.

5. Cách nhận biết tạp chí khoa học “săn mồi”
Hiện nay, nhu cầu công bố khoa học quốc tế đang dần trở thành một tiêu chí quan trọng trong quá trình xét duyệt đề tài, dự án hoặc xin cấp học bổng. Vì vậy, nhiều tạp chí quốc tế lợi dụng nhu cầu xuất bản trực tuyến gia tăng để lừa dối bằng cách thu phí xuất bản nhưng không có quy trình phản biện, thời gian xuất bản nhanh nhưng chất lượng thấp. Các tạp chí này thường được gọi với cái tên là tạp chí săn mồi “predatory journal”
Một số dấu hiệu của tạp chí săn mồi bao gồm:
- Đăng số lượng bài lớn, số lượng bài tăng đột biến
- Thành viên ban biên tập không rõ ràng, không có thành tích khoa học tốt.
- Chất lượng biên tập bản thảo kém, giá trị khoa học thấp, nhiều sai sót
- Đăng bài nằm ngoài phạm vi tạp chí
- Hứa hẹn công bố bài báo nhanh
Các tạp chí săn mồi thường không đánh giá tính chính xác của nghiên cứu vì không có phản biện rõ ràng. Kết quả mang đến thông tin khoa học và giả mạo nghiên cứu đến với cộng đồng khoa học tạo ra nhầm lẫn và có thể gây hại cho người sử dụng nghiên cứu đó cho mục đích khác.
Thông thường, bài báo đã công bố trên tạp chí sẵn mồi rất khó rút bài để đăng lại công trình trên một tạp chí chính thống khác. Một số tạp chí săn mồi được liệt kê trong danh sách đen trên website “Beall’s List” cập nhật năm 2024: https://predatorypublisher.weebly.com/?fbclid=IwY2xjawFkPudleHRuA2FlbQIxMAABHbL492UsF85cFzLUg833dD0g3PDLX031sZHCucVOQ4IGnqAdk5uy302rsQ_aem_7bS_B1FiNRupXO58Sz2aww
Nhà nghiên cứu nên chọn lựa các tạp chí có độ tin cậy cao và có uy tín để có được chất lượng và uy tín của các tài liệu và công trình nghiên cứu trong một lĩnh vực cụ thể. Tại Việt Nam, các tạp chí uy tín sẽ được hội đồng giáo sư nhà nước phê duyệt mỗi năm và tính điểm cho mỗi tạp chí. Bạn đọc tham khảo danh mục tạp chí khoa học được tính điểm năm 2024 tại link: http://hdgsnn.gov.vn/tin-tuc/quyet-dinh-so-25-qd-hdgsnn-phe-duyet-danh-muc-tap-chi-khoa-hoc-duoc-tinh-diem-nam-2024_788/
6. Tài liệu tham khảo
STM Publishing.(2024).Clarivate Reveals World’s Leading and Trusted Journals with the 2024 Journal Citation Reports. https://www.stm-publishing.com/clarivate-reveals-worlds-leading-and-trusted-journals-with-the-2024-journal-citation-reports/
Canadian Institute for Knowledge Devlopment. (2020).Scopus vs ISI WOS; Which One?. https://cikd.ca/2020/03/05/scopus-vs-isi-wos-which-one/
Đại học Huế, Viện Công nghệ Sinh học. (2020). Thông tin tìm hiểu về công bố khoa học quốc tế. https://huib.hueuni.edu.vn/thong-tin-ve-cong-bo-khoa-hoc-quoc-te/