Viêm gan C – Mối nguy hiểm tiềm ẩn không nên chủ quan

Nội dung chính

Viêm gan C gây nên bởi Hepatitis C virus (HCV) – một bệnh phổ biến trên thế giới khi có đến 1,5 triệu ca nhiễm mới hàng năm và đáng báo động với 290.000 ca tử vong. Điều đáng nói là bệnh truyền nhiễm này lại ít được quan tâm và không có biểu hiện rõ ràng. Do đó, hiểu biết trong chẩn đoán và điều trị là vô cùng cần thiết để tăng nhận thức và giảm số ca nhiễm. Hiện nay, việc ứng dụng sinh học phân tử trong xét nghiệm chẩn đoán ngày càng quan trọng, chúng trở thành các chỉ định xét nghiệm bắt buộc trong điều trị Viêm gan C.

Cấu trúc virus viêm gan C (HCV)

Virus Viêm gan C ban đầu được gọi là một loại “vi-rút mới gây tổn thương gan” (không phải Viêm gan A hay B) và được xác định chính xác với tên Hepatitis C (HCV) vào năm 1989. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có đến 58 triệu ca nhiễm virus Viêm gan C mãn tính trên toàn thế giới năm 2019, với 1,5 triệu ca nhiễm mới hàng năm với 399.000 ca tử vong [1].

Viêm gan C là loại bệnh truyền nhiễm gây tình trạng nhiễm trùng gan gây ra bởi virus Viêm gan C (Hepatitis C virus). HCV có kích thước nhỏ (55- 65nm), thuộc chi Hepacivirus, họ Flaviviridae và có vật chất di truyền là chuỗi RNA sợi đơn có tính phân cực dương. Virus được cấu tạo dạng đa diện đều, ngoài cùng là lớp vỏ lipid có nguồn gốc của tế bào gan với 2 loại glycoprotein bề mặt là E1 và E2 gắn trên lớp vỏ ngoài lipid này. RNA của virus có chiều dài 9600 nucleotide, có chức năng mã hóa chuỗi protein đơn khoảng 3300 acid amin và hình thành những protein nhỏ có hoạt tính.

Hình 1: Cấu trúc HCV (virus Viêm gan C)
Hình 1: Cấu trúc HCV.

HCV có 7 kiểu gen được đánh số từ 1 đến 7 và 67 kiểu phụ đã được xác định. Trong đó, kiểu gen 1,2, 3 và 6 là các kiểu gen thường gặp và gây bệnh chủ yếu tại Việt Nam. Chuỗi ARN có hai đầu 5’URT và 3’URT không mã hóa trực tiếp các acid amin nhưng tham gia vào khởi động dịch mã cũng như quá trình sao chép của chuỗi RNA [2]. Phân tử ARN virus mã hóa cho 11 phân tử protein khác nhau được chia làm 2 nhóm.

  • Nhóm Protein tham gia tạo khung cấu trúc virus gồm protein lõi C, protein vỏ E1, và E2. Cả hai protein vỏ E1 và E2 đều được glycosyl hóa cao và đóng vai trò quan trọng trong việc xâm nhập vào tế bào. Trong đó, E1 đóng vai trò như một thành phần giúp cho quá trình dung hợp vào tế bào chủ dễ dàng, còn E2 hoạt động như một protein tiếp nhận thụ thể.
  • Nhóm Protein không tham gia vào cấu trúc virus gồm P7, NS2, NS3, NS4A, NS4B, NS5A, NS5; tham gia vào các quá trình như xâm nhập, nhân lên, hoàn thiện virus mới.

Ban đầu, virus xâm nhập vào tế bào gan nhờ những thụ thể đặc hiệu trên bề mặt tế bào chủ để nhập bào (endocytosis). Sau đó, virus dung nạp với tế bào chủ đồng thời giải phóng vật chất di truyền RNA. RNA của virus được dịch mã và cắt tiền protein thành nhiều đoạn nhỏ là các đoạn mã hóa và không mã hóa protein. RNA tiếp tục nhân đôi, tổng hợp nên các phân tử HCV-RNA mới. Sau đó, virus đóng gói và tạo thành virus hoàn chỉnh sau khi qua bộ máy Golgi. HCV phá bỏ vỏ tế bào gan, giải phóng và tiếp tục xâm nhiễm các tế bào lành khác [3,4,5].

Viêm gan C và những triệu chứng thường gặp

Sau khi vào cơ thể, virus Viêm gan C có thời kỳ ủ bệnh khá dài (khoảng từ 7 – 8 tuần), sau đó là thời kỳ khởi phát. Hầu hết các trường hợp Viêm gan C cấp tính ít có triệu chứng lâm sàng cho đến khi có biểu hiện xơ gan.

Những biểu hiện thường gặp như mệt mỏi, nhức đầu và có một số triệu chứng giống cảm cúm. Các trường hợp có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đau bụng, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, đau tức vùng hạ sườn phải (vùng gan) do gan bị sưng, viêm. Ngoài ra, người bệnh có các triệu chứng như đau, vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu như nước vối do gan bị viêm làm ảnh hưởng đến đường dẫn mật trong gan làm cho sắc tố mật ứ trệ. Một số triệu chứng ngoài gan như: đau cơ, đau khớp, viêm khớp, tóc dễ gãy rụng, bệnh cơ tim, viêm cầu thận tăng sinh màng.

Hình 2: Các giai đoạn nhiễm trùng gan do virus Viêm gan C gây ra.
Hình 2: Các giai đoạn nhiễm trùng gan do virus Viêm gan C gây ra.

Con đường lây truyền của HCV

Viêm gan C là một bệnh lây nhiễm rất nhanh và có khả năng lây truyền cao. HCV được lây truyền từ người nhiễm bệnh sang người lành theo 3 con đường chính bao gồm: đường máu, đường tình dục và mẹ truyền sang con qua nhau thai khi sinh.

Một số hình thức virus Viêm gan C có thể lây truyền qua đường máu như:

  • Dùng chung dụng cụ, bơm kim tiêm, hoặc các vật dụng tiêm thuốc khác hay các loại ống dùng để hút hoặc hít có dính máu của người nhiễm bệnh HCV
  • Dùng chung dụng cụ xăm hoặc xỏ khuyên như thiết bị, khuyên hay mực xăm với người nhiễm bệnh
  • Dùng chung đồ dùng cá nhân có khả năng dính máu do trầy xước như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, bấm móng tay
  • Tái sử dụng hoặc sử dụng các thiết bị, dụng cụ y tế chưa qua khử trùng
  • Truyền máu không qua sàng lọc HCV khi người bệnh lọc máu chu kỳ, ghép tạng
  • Quan hệ tình dục không an toàn

Vì vậy, các đối tượng như người tiêm chích ma túy, người có khuyên, xăm trên cơ thể, những người có đời sống tình dục không lành mạnh có tỉ lệ nhiễm trùng HCV tương đối cao. Ngoài ra, các nhân viên chăm sóc sức khỏe hay trẻ có mẹ mắc bệnh Viêm gan C và người có người thân nhiễm bệnh cũng nằm trong nhóm nguy cơ mắc bệnh.

Giai đoạn tiến triển bệnh

Viêm gan C phát triển theo 2 giai đoạn: Nhiễm trùng cấp tính (sau nhiễm trùng khởi phát) và nhiễm trùng mãn tính.

Viêm gan C cấp tính

Giai đoạn cấp tính được tính từ 6 tháng đầu tiên của nhiễm bệnh. Đây là giai đoạn khi mới nhiễm virus Viêm gan C, thời gian sau khi virus xâm nhập vào máu. Khoảng 20% những người bị nhiễm Viêm gan C cấp tính sẽ tự loại bỏ khỏi cơ thể một cách tự nhiên trong vòng 6 tháng đầu tiên mà không cần điều trị  (khác với viêm gan B là 90%). Còn 80% còn lại sẽ phát triển thành nhiễm Viêm gan C mãn tính nếu không được điều trị hợp lý và kịp thời [6].

Viêm gan C mãn tính

Giai đoạn Viêm gan C mãn tính kéo dài sau 6 tháng đầu tiên nhiễm bệnh. Nếu không được điều trị đúng cách, cơ thể không đào thải HCV ra khỏi cơ thể, bệnh có thể tồn tại suốt đời và gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm suy chức năng gan, xơ gan, ung thư biểu mô gan và thậm chí tử vong.

Tuy nhiên, ngay cả khi phát triển tới giai đoạn này, hầu hết mọi người vẫn không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Dù vậy, người nhiễm bệnh cũng tuyệt đối không thể chủ quan và nên thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán Viêm gan C định kỳ hay ngay khi có triệu chứng bất thường.

Biện pháp phòng tránh nguy cơ lây nhiễm HCV

Số liệu cho thấy mức độ nhận biết và chẩn đoán Viêm gan C khá thấp khi chỉ có 20% bệnh nhân nhiễm HCV được chẩn đoán và 15% trong số đó được điều trị. Đối với những người nhiễm Viêm gan C, những biện pháp để tránh lây nhiễm người khác như sử dụng riêng biệt các vật dụng, đồ dùng cá nhân có khả năng gây tổn thương, chảy máu.

Đặc biệt, cần lưu ý các trường hợp lây truyền cao như khi có vết thương hở, truyền từ mẹ sang con và quan hệ tình dục không lành mạnh. Ngoài ra, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc cũng là một trong những biện pháp tối ưu nhất trong phòng tránh nguy cơ lây nhiễm Viêm gan C.

Các phương pháp chẩn đoán viêm gan C

Ngoài việc quan sát các triệu chứng lâm sàng, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm trong chẩn đoán và điều trị Viêm gan C.

Xét nghiệm Anti-HCV

Xét nghiệm giúp xác định sự tồn tại của kháng thể kháng virus Viêm gan C trong cơ thể nhằm tầm soát, sàng lọc bệnh.

Ý nghĩa kết quả:

  • Âm tính với Anti-HCV: Cơ thể không có kháng thể kháng virus HCV, kết luận người được xét nghiệm chưa từng bị nhiễm Viêm gan C.
  • Dương tính: Cơ thể xuất hiện kháng thể kháng virus HCV, chưa thể kết luận cơ thể đã tạo ra được các yếu tố bảo vệ chống lại bệnh này. 2 trường hợp cho kết quả này bao gồm: đang mắc bệnh hoặc đã từng nhiễm Viêm gan C nhưng đã tự khỏi trong thời gian cấp tính. Để phân loại một cách chắc chắn, người bệnh cần tiến hành kiểm tra HCV RNA bằng kỹ thuật Real-time PCR để biết có virus hoàn chỉnh đang hoạt động trong cơ thể hay không.
Hình 4: Xét nghiệm Anti-HCV trong chẩn đoán Viêm gan C.
Hình 4: Xét nghiệm Anti-HCV trong chẩn đoán Viêm gan C.

Real-time PCR phát hiện HCV RNA

Mẫu bệnh phẩm dùng để xét nghiệm HCV là huyết thanh, huyết tương, nhằm mục đích xác định nồng độ của virus Hepatitis C thông qua việc đo RNA trong mẫu máu sau khi tách chiết.

Ý nghĩa kết quả:

  • Âm tính với HCV: Cơ thể không mang virus Viêm gan C, kết luận người được xét nghiệm không nhiễm Viêm gan C.
  • Dương tính với HCV: Cơ thể có mang HCV gây bệnh, kết luận người được xét nghiệm có mang virus Viêm gan C và tiếp tục được xét nghiệm định lượng HCV nhằm biết được tải lượng nhiều hay ít của virus cho mục đích thiết lập phác đồ điều trị tương ứng.
Hình 5: Kit Real-time PCR dùng để chẩn đoán Viêm gan C.
Hình 5: Kit Real-time PCR dùng để chẩn đoán HCV.

Xét nghiệm HCV Genotype

Hiện nay, virus HCV đang có 6 kiểu gen từ 1 – 6, mỗi kiểu lại được chia thành các nhóm nhỏ khác nhau. Trong đó, tại Việt Nam, virus HCV có kiểu gen 1, 2, 3 và 6 thường phổ biến và thường gặp hơn cả. Mỗi kiểu gen của virus thường có các điều trị khác nhau. Do đó, xác định virus thuộc kiểu gen gì sẽ giúp việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất. Xác định kiểu gen của virus và đưa ra phương pháp điều trị hợp lý nhất.

Sau khi đã có kết quả dương tính với HCV, một số chỉ số cần được xét nghiệm sau khi chẩn đoán như:

  • Đánh giá xơ hóa gan bằng sinh thiết và các phương pháp không xâm lấn như chỉ số APRI, FIB-4, Fibroscan, ARFI, Fibrotest,…
  • Các xét nghiệm huyết học, sinh hóa và chức năng gan gồm AST, ALT, công thức máu, số lượng tiểu cầu, albumin, bilirubin, AFP, thời gian prothrombin, INR, siêu âm gan,…
Hình 6: Xét nghiệm HCV giúp xác định virus Viêm gan C trong cơ thể.
Hình 6: Xét nghiệm HCV giúp xác định virus Viêm gan C trong cơ thể.

Hiện nay, Viêm gan C xâm nhập cơ thể mà không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc có biểu hiện bệnh không rõ ràng. Đây cũng được cho là nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh nghiêm trọng về gan như ung thư gan. Do đó, việc chủ động thực hiện xét nghiệm chẩn đoán sớm cũng là yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa và điều trị hiệu quả. Đặc biệt, các xét nghiệm áp dụng sinh học phân tử như Kỹ thuật Real-time PCR cho ra kết quả nhanh chóng, chính xác, giúp đưa ra phác đồ điều trị kịp thời, rút ngắn thời gian điều trị bệnh.

Tóm lại, việc nắm rõ cơ chế gây bệnh, nguyên nhân và những biện pháp phòng ngừa sẽ là cần thiết khi tự chủ động ngăn ngừa và rút ngắn thời gian điều trị Viêm gan C. Hãy chia sẻ thông tin này vì chúng có thể giúp bạn tự bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người xung quanh. Chia sẻ ngay nhé!

Tài liệu tham khảo

  1. World Health Organization. Hepatitis C. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hepatitis-c
  2. Altaira D. Dearbor, Joseph Marcotrigiano. Hepatitis C Virus Structure: Defined by What It Is Not. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6938659/#:~:text=HCV%20contains%20a%209.6%2Dkbp,the%20nonstructural%20(NS)%20proteins.
  3. Jean Dubuisson. Virology and cell biology of the hepatitis C virus life cycle. https://www.journal-of-hepatology.eu/article/S0168-8278(14)00461-9/fulltext
  4. Caruntu FA, Benea L. Acute hepatitis C virus infection: Diagnosis, pathogenesis, treatment. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17013450/
  5. Kohji M, Yorshiharu M. Mechanisms of Hepatitis C Virus Infection. https://journals.sagepub.com/doi/abs/10.1177/095632020301400601
  6. S Zaltron, A Spinetti, L Biasi, C Baiguera, F Castelli. Chronic HCV infection: epidemiological and clinical relevance. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3495628/

Công ty TNHH giải pháp y sinh ABT

ABT là một trong những công ty công nghệ sinh học hàng đầu, chuyên cung cấp các giải pháp hỗ trợ trong lĩnh vực chẩn đoán sinh học phân tử. Đồng thời, chúng tôi cũng là một cầu nối đưa các thành tựu nghiên cứu sinh học áp dụng gần hơn vào thực tiễn, đặc biệt trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19

liên hệ với chúng tôi

Xưởng 5.02 - 6.07 , Lô L2, Đường Long Hậu - Hiệp Phước, KCN Long Hậu, X. Long Hậu, H. Cần Giuộc, Tỉnh Long An.

Số 9, Đường 17B, Phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM

0903 307 258
028 2216 0885

sales@abtvn.com

Scroll to Top