1. Bệnh lao phổi là gì ?
Bệnh lao nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới (WHO)
Lao, hay còn gọi là bệnh TB, là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, thường ảnh hưởng đến phổi. Bệnh lây lan qua các giọt bắn từ cổ họng và phổi của người bị lao phổi ở giai đoạn tiến triển. Chỉ khoảng 5-10% người nhiễm vi khuẩn Lao sẽ phát triển thành bệnh lao trong suốt cuộc đời. Các triệu chứng của bệnh lao phổi bao gồm ho, đôi khi có đờm hoặc ho ra máu, đau ngực, suy nhược, sụt cân, sốt và đổ mồ hôi ban đêm.

Bệnh lao có thể được điều trị bằng cách kết hợp 6 loại thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân lao kháng lại các loại kháng sinh này, yêu cầu thời gian điều trị kéo dài từ 9-24 tháng. Phần lớn các trường hợp bệnh lao có thể chữa khỏi nếu bệnh nhân tuân thủ đầy đủ liệu trình điều trị.
2. Những dấu hiệu nghi ngờ mắc phải bệnh lao
Nhiều người thường bỏ qua các dấu hiệu của bệnh lao cho đến khi bệnh đã trở nặng, khiến việc điều trị mất nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc nhận biết sớm các triệu chứng của lao phổi giai đoạn đầu sẽ giúp kiểm soát bệnh tốt hơn.
Ho và khạc đờm: Ho là triệu chứng của nhiều bệnh phổi cấp và mạn tính. Nếu bệnh nhân ho kéo dài hơn 3 tuần mà không phải do viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản hay ung thư phổi và đã dùng nhiều loại thuốc mà không giảm, cần nghĩ đến lao phổi. Ho và khạc đờm thường do viêm nhiễm, và nếu ho khạc đờm xanh kéo dài hơn 3 tuần, cần nghĩ đến lao phổi.
Ho ra máu: Ho do các nguyên nhân khác thường không kèm theo máu, nhưng ho ra máu là dấu hiệu quan trọng của bệnh lao. Khoảng 60% người mắc lao phổi có triệu chứng này, cho thấy có tổn thương và chảy máu trong đường hô hấp.
Đau ngực, khó thở: Đau ngực là dấu hiệu dễ nhận biết khi bị lao phổi. Ho nhiều gây ức chế lên phế quản, dẫn đến khó thở và đau ngực, đặc biệt khi phổi bị tổn thương thì việc trao đổi khí càng khó khăn hơn.
Gầy, sụt cân: Đây là triệu chứng phổ biến ở nhiều người mắc lao phổi. Nếu người bệnh bị gầy và sụt cân không rõ nguyên nhân, không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng hay nhiễm HIV/AIDS, dù đã bồi dưỡng nhiều cách nhưng trọng lượng không cải thiện, cần nghĩ đến lao.
Sốt về chiều: Thường gặp ở người mắc lao phổi, sốt có thể ở nhiều dạng như sốt cao, sốt thất thường nhưng phổ biến nhất là sốt nhẹ hoặc gai lạnh về chiều. Nếu có triệu chứng sốt như vậy cùng với các triệu chứng hô hấp như ho, khạc đờm, ho ra máu, cần nghĩ đến lao phổi.
Đổ mồ hôi đêm: Bệnh lao có thể gây mất ngủ do ho và sốt, kèm theo đổ mồ hôi đêm, là một trong những dấu hiệu quan trọng của bệnh lao.
Mệt mỏi, chán ăn: Đây là dấu hiệu phổ biến ở người mắc lao. Cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu ngủ, không muốn ăn uống, cảm thấy không có năng lượng và chỉ muốn nằm cả ngày.
Lưu ý: Không phải ai mắc lao cũng có tất cả các triệu chứng trên, nhiều người chỉ xuất hiện một vài triệu chứng nhẹ. Ngoài ra, các dấu hiệu này cũng thường gặp ở nhiều bệnh khác không phải lao. Do vậy, để xác định chính xác mình có mắc lao hay không, cần làm các xét nghiệm chẩn đoán tại cơ sở y tế.
3. Bệnh lao lây lan như thế nào?
Các con đường lây lan của bệnh lao:
Đường hô hấp:
Đây là con đường lây nhiễm bệnh lao từ người sang người nhanh nhất và phổ biến nhất. Người khỏe mạnh có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với người bị lao thông qua các hành động như cười đùa, nói chuyện, ho, hắt hơi, hoặc khạc nhổ. Vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể người bình thường qua không khí khi người bệnh phát tán vi khuẩn.

Qua cọ xát:
Bệnh lao cũng có thể lây truyền qua các vết xước hoặc vết thương hở khi cọ xát với người bệnh. Do đó, nếu không may tiếp xúc cọ xát với vết thương của người bị bệnh, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để thăm khám.
Đường sinh hoạt:
Nếu bạn sinh hoạt chung như sống cùng, ăn uống hoặc dùng chung bát đũa, khăn mặt với người bị lao, nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao. Tỷ lệ lây nhiễm tăng cao khi vi khuẩn có điều kiện thuận lợi để xâm nhập vào cơ thể.
Truyền từ mẹ sang con:
Hầu hết các trường hợp trẻ nhỏ bị lao đều lây truyền từ mẹ sang con. Nếu mẹ mắc bệnh lao, cần được theo dõi kỹ lưỡng và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ để hạn chế tối đa nguy cơ lây truyền.
Đường tình dục:
Bệnh lao không lây truyền trực tiếp qua đường tình dục, nhưng khi quan hệ, các hành vi như hôn sâu và trao đổi tuyến nước bọt có thể khiến bạn tình dễ bị lây bệnh. Do đó, để ngăn ngừa lây nhiễm, nên hạn chế quan hệ tình dục trong thời gian này, hoặc nếu quan hệ, nên tránh hôn.
4. Bệnh lao có di truyền không?
Nhiều bệnh nhân băn khoăn liệu bệnh lao phổi có di truyền trong gia đình hay không. Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh lao không di truyền. Tuy nhiên, những người có gen nhạy cảm với bệnh lao có thể bị ảnh hưởng và cha mẹ có thể lây truyền vi khuẩn sang con.
Để ngăn ngừa tình trạng này, người bệnh có thể xét nghiệm gen để kiểm tra sự nhạy cảm với bệnh lao. Nếu phát hiện có gen nhạy cảm, cần theo dõi đặc biệt và kết hợp tiêm vắc xin để phòng ngừa lây nhiễm.
5. Các xét nghiệm phổ biến giúp chẩn đoán sớm Lao
Xét nghiệm lao giúp chẩn đoán và phát hiện bệnh lao ở giai đoạn sớm hoặc khi nghi ngờ tiếp xúc với nguồn bệnh. Các xét nghiệm lao hiện nay gồm hai phương pháp chính: xét nghiệm phản ứng lao tố (PPD) và xét nghiệm PCR lao.
5.1 Xét nghiệm phản ứng lao tố (PPD)
Phương pháp này bao gồm việc tiêm một lượng protein của vi khuẩn lao vào dưới da vùng cánh tay. Sau đó, vùng tiêm sẽ sưng lên trong khoảng từ 1 đến 3 ngày, và kích thước vùng sưng sẽ được đo để xác định kết quả có dương tính với vi khuẩn lao hay không.
- Kết quả âm tính: Không xuất hiện các vết sưng cứng, đỏ tại vị trí tiêm, hoặc nếu có, các vết này nhỏ hơn 5mm.
- Kết quả dương tính:
- Nhóm nguy cơ nhiễm lao phổi cao: Vết sưng cứng, đỏ tại vị trí tiêm có kích thước hơn 5mm.
- Nhóm nguy cơ nhiễm lao phổi trung bình: Vết sưng cứng, đỏ có kích thước hơn 10mm.
- Nhóm nguy cơ nhiễm lao phổi thấp: Vết sưng cứng, đỏ có kích thước hơn 15mm.
Lưu ý sau khi làm xét nghiệm PPD:
- Để vết tiêm khô thoáng, không sử dụng băng cá nhân hoặc gạc y tế.
- Không gãi, cào vùng tiêm; nếu ngứa hãy dùng khăn lạnh chườm lên.
- Vệ sinh vùng tiêm bằng nước sạch, nhẹ nhàng.
- Tái khám theo chỉ định của bác sĩ.
5.2. Xét nghiệm PCR lao
Xét nghiệmPCR sử dụng vật liệu di truyền ADN để kiểm tra và xác định sự tồn tại của vi khuẩn lao trong cơ thể. Phương pháp này phức tạp, sử dụng trang thiết bị công nghệ cao, nhưng mang lại kết quả chính xác trong khoảng 1 đến 2 ngày, phát hiện vi khuẩn lao ở nồng độ virus thấp (từ giai đoạn nhiễm mới)

Bộ kit xét nghiệm bệnh lao sử dụng các mẫu bệnh phẩm: Máu, dịch đờm, dịch phổi, dịch màng não, v.v. Xét nghiệm PCR có độ nhạy và đặc hiệu cao, giúp phát hiện vi sinh vật mà các phương pháp xét nghiệm lâm sàng khác không tìm ra.
Để kết quả xét nghiệm PCR chính xác:
- Tạm dừng sử dụng các loại thuốc kháng sinh trước khi tiến hành xét nghiệm ít nhất 3 ngày.
- Tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm như sau:
- Súc miệng sạch với nước lọc.
- Hít thở sâu, nín thở vài giây, sau đó thở ra từ từ. Lặp lại 3 lần, sau đó ho mạnh để xuất hiện đờm trong cổ họng.
- Khạc đờm vào lọ vô trùng và mang đến cơ sở y tế để xét nghiệm.
Xét nghiệm PCR thường được kết hợp với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, CT-Scan để đạt kết quả chính xác nhất.
Các phương pháp xét nghiệm giúp chẩn đoán chính xác tình trạng và theo dõi mức độ tiến triển của bệnh:
- X-Quang phổi
- Xét nghiệm soi AFB đờm.
- Xét nghiệm cấy lao Mgit.
- Xét nghiệm Xpert MTB/RIF
Khi thực hiện xét nghiệm tại các cơ sở y tế, bệnh nhân sẽ được các y bác sĩ tư vấn loại xét nghiệm phù hợp nhất.