GBS và nguyên nhân cần phải sàng lọc trước sinh

“Mẹ tròn con vuông” là câu chúc với mong ước sức khỏe của người mẹ và bé được đảm bảo. Giai đoạn sinh con có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí là tính mạng của mẹ và bé. Việc kiểm tra sức khỏe thai phụ trước sinh là điều rất cần thiết nhằm phát hiện và can thiệp kịp thời các tác nhân gây ảnh hưởng sức khỏe, tính. Liên cầu khuẩn Group B streptococcus (GBS) là một loại vi khuẩn vô hại cho những người mang, nhưng nếu không điều trị, nó có thể được truyền cho em bé trong khi sinh con và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
gbs

“Mẹ tròn con vuông” là câu chúc với mong ước sức khỏe của người mẹ và bé được đảm bảo. Giai đoạn sinh con có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí là tính mạng của mẹ và bé. Việc kiểm tra sức khỏe thai phụ trước sinh là điều rất cần thiết nhằm phát hiện và can thiệp kịp thời các tác nhân gây ảnh hưởng sức khỏe, tính. Liên cầu khuẩn Group B streptococcus (GBS) là một loại vi khuẩn vô hại cho những người mang, nhưng nếu không điều trị, nó có thể được truyền cho em bé trong khi sinh con và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

GBS là gì?

Liên cầu khuẩn nhóm B (Streptococcus agalactiae) thường được gọi dưới tên tiếng anh là Group B Streptococcus (GBS). Đây là loại cầu khuẩn gram dương có hình cầu hay bầu dục, đường kính trung bình 1μm (thường 0,5 – 1 x 1 – 2 μm) và không di động. Vi khuẩn xếp thành cặp hoặc chuỗi (khoảng 50 tế bào/chuỗi), chúng phân chia trong mặt phẳng thẳng góc với trục của chuỗi. [1]

Hình ảnh GBS

Hình 1. Hình ảnh 3D về một nhóm vi khuẩn GBS do máy tính tạo ra (nguồn: link )

Đoạn thấp của ống tiêu hóa và âm đạo người phụ nữ khỏe mạnh là nơi cư trú của GBS, cầu khuẩn này có thể hiện diện tại âm đạo vào bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ. Ở người lớn, GBS tuy không gây bệnh ở hầu hết các trường hợp nhưng với trẻ trong giai đoạn chu sinh (thời kỳ chu sinh được tính từ tuần thứ 28 đến hết ngày thứ 7 sau khi sinh) có thể gây nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm màng não và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu. [2]

Quá trình lây truyền từ mẹ sang con thường chỉ xảy ra khi bắt đầu chuyển dạ hoặc khi màng ối bị vỡ. Nguyên nhân lây truyền là do thai nhi hít, nuốt và tiếp xúc với dịch ối hoặc dịch âm đạo nhiễm GBS. Trẻ bị tổn thương da, niêm mạc do bị sang chấn trong quá trình chuyển dạ, sổ thai đã tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

Mức độ nhiễm khuẩn của trẻ phụ thuộc vào mức độ nhiễm của mẹ và các yếu tố thuận lợi cho nhiễm khuẩn như: viêm âm đạo tái phát, viêm đường tiết niệu do GSB, ối vỡ sớm, sốt khi chuyển dạ, tiểu đường, thiếu máu… Nguyên nhân trẻ bị nhiễm khuẩn sau sinh có thể do từ mẹ, người chăm trẻ, lây chéo từ bệnh viện. [3]

Lây nhiêm GBS
Hình 2. Quá trình lây nhiễm GBS (https://punchng.com/group-b-strep-infection-in-pregnancy-can-cause-damage-newborn-death-experts/)

 

Dịch tễ học 

Có khoảng 20-30% phụ nữ mang thai bị nhiễm GBS ở âm đạo hoặc trực tràng, quá trình nhiễm này có thể thoáng qua, từng đợt hoặc kéo dài. Tỷ lệ bệnh không triệu chứng ở phụ nữ mang thai thay đổi tùy thuộc vào dân số nghiên cứu, địa lý, kỹ thuật lấy mẫu,…Tỷ lệ nhiễm GBS của các thai phụ thuộc các nước đang phát triển là 17,8%. Trong đó, tỷ lệ nhiễm GBS của vùng châu Á – Thái Bình Dương là 19%.

Ngoài ra, các nghiên cứu tại những nước đa chủng tộc cũng cho thấy sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm GBS giữa các chủng tộc; trong đó, người châu Á luôn có tỷ lệ nhiễm liên cầu nhóm B thấp nhất. Tại Việt Nam, nghiên một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B âm đạo của các thai phụ là khá thấp, dưới 5%. Tuy nhiên, tỉ lệ âm tính giả có thể cao do cách lấy mẫu và môi trường nuôi cấy chưa phù hợp. [3]

Triệu chứng lâm sàng

Phần lớn phụ nữ mang nhóm liên cầu khuẩn nhóm B không biểu hiện triệu chứng bên ngoài hoặc không ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số nhỏ có thể bị viêm đường tiết niệu hoặc viêm tử cung nếu số lượng GBS nhiều khiến chúng di chuyển đến bộ phận khác. Đối với phụ nữ mang thai, GBS là tác nhân gây tình trạng thai chết lưu, ối vỡ non, viêm màng ối và đặc biệt là chuyển dạ sinh non. Vào thời kỳ cuối của thai kỳ mẹ có thể sẽ truyền vi khuẩn sang cho con và để lại những biến chứng nghiêm trọng do nhiễm khuẩn. 

Có hai loại nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B ở trẻ sơ sinh: giai đoạn sớm và giai đoạn muộn. Cả hai loại đều có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhiễm GBS giai đoạn sớm xảy ra vào tuần đầu tiên của trẻ sơ sinh, thường trong vòng 24-48 giờ sau khi sinh. Trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn khi di chuyển qua âm đạo của người mẹ mang nhóm vi khuẩn. Chỉ có một số nhỏ trẻ bị nhiễm khi tiếp xúc với vi khuẩn. Tuy nhiên một số yếu tố, ví dụ như sinh non , có thể làm tăng khả năng bị nhiễm. Bệnh phổ biến do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B giai đoạn sớm gây ra là viêm phổi, nhiễm trùng huyết, và viêm màng não, viêm da mủ… [2]

Nhiễm giai đoạn muộn xảy ra sau Nhiễm khuẩn do GBS khởi phát muộn xảy ra từ 1 tuần – 3 tháng tuổi. Bệnh có thể bị lây truyền trong quá trình sinh đẻ như trong nhiễm khuẩn khởi phát sớm, hay trong quá trình tiếp xúc với nguồn lây từ mẹ, người chăm trẻ hay nguồn lây khác.

Viêm màng não thường gặp ở giai đoạn muộn và hầu hết các trường hợp có liên quan đến tuýp huyết thanh III. Biểu hiện bệnh gồm trẻ có dấu hiệu sốt, người lịm và ngược lại dễ bị kích thích, kém ăn và động kinh. Có khi có vãng khuẩn huyết, viêm xương tủy, viêm khớp và viêm tế bào vùng mặt kết hợp với viêm hạch hoặc ống tuyến dưới hàm hay trước tiểu nhĩ. [4]

Việc sử dụng xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B trong giai đoạn cuối của thai kỳ và điều trị trong quá trình sinh có thể giúp phòng tránh viêm nhiễm giai đoạn sớm. Tuy nhiên nó không thể giúp phòng tránh viêm nhiễm giai đoạn muộn. Cần biết cách nhận biết dấu hiệu và triệu chứng viêm nhiễm giai đoạn muộn:

-Trẻ hoạt động chậm hoặc không hoạt động

-Trẻ quấy khóc

-Trẻ bú sữa kém

-Trẻ bị nôn

-Trẻ bị sốt cao

Nếu trẻ bị một trong những triệu chứng trên thì cần liên hệ với bác sĩ ngay.

Triệu chứng GBS
Hình 3: Trẻ quấy khóc, nôn ói là một trong những triệu chứng nhiễm GBS (https://phuongchau.com/xet-nghiem-gbs-lien-cau-khuan-nhom-b-xet-nghiem-quan-trong-trong-thai-ky-72)

Chẩn đoán

Thai phụ sẽ được đề nghị xét nghiệm GBS ở thời điểm thai 35 tuần đến 37 tuần 6 ngày (đối với đơn thai), 32-34 tuần (đối với đa thai) hoặc khi thai kỳ có dấu hiệu sinh non hoặc vỡ ối non và sau khi có được sự đồng thuận của thai phụ. Mẫu xét nghiệm được lấy ở cùng đồ bên âm đạo và trực tràng bằng 1 que tăm bông nhỏ. Hiện nay có nhiều phương pháp để xét nghiệm GBS bao gồm:

  1. Nuôi cấy định danh liên cầu khuẩn nhóm B từ bệnh phẩm âm đạo – trực tràng

Mẫu dịch phết GBS âm đạo sẽ được nuôi cấy trên môi trường chuyên biệt: thạch máu, môi trường Brain heart infusion, Thioglycolate, v.v. Ủ 37oC ở không khíbình thường hoặc bình nến có 5 – 10% CO2. Sau khi cấy, sự hình thành khuẩn lạc và tính chất tan máu sẽ được theo dõi sau 18 – 24 giờ. Vì là một liên cầu tan máu vì vậy sau khi cấy, khuẩn lạc của liên cầu khuẩn với kích thước nằm trong khoảng 0,5 – 1 mm sẽ hình thành và đặc biệt sẽ có vòng tiêu huyết nhỏ trên thạch máu. Sau đó GBS sẽ được định danh bằng CAMP test. [6]

Thạch nuôi cấy GBS
Hình 4: Thạch máu – môi trường nuôi cấy GBS. (nguồn: bimetech)
  1. Real-time PCR

Khác biệt với nuôi cấy, cần nhiều thời gian và thao tác, phương pháp Real-time PCR được sử dụng để phát hiện GBS có độ nhạy 97%, độ đặc hiệu 100%. Phương pháp này cho kết quả nhanh trong vòng 60 phút, và thời gian nhận kết quả khoảng 2-4 giờ, tiết kiệm thời gian và các bác sĩ cũng sẽ có những hướng can thiệp kịp thời tránh gây ảnh hưởng đến thai nhi. Trong một nghiên cứu năm 2006 nhận định: Phản ứng chuỗi trùng hợp là  xét nghiệm cho kết quả nhanh và chính xác nên có thể dùng để tầm soát GBS khi thai phụ vào chuyển dạ. [7]

Kit Real-time PCR dùng để chẩn đoán GBS
Hình 5: Kit Real-time PCR dùng để chẩn đoán GBS

Các cách phòng ngừa bệnh

Vì nhóm vi khuẩn này không gây ra những biến chứng đến người bình thường vì vậy các phòng tránh thường sẽ là kiểm tra GBS trước sinh tránh gây nhiễm trùng sơ sinh. Việc tìm thấy vi khuẩn GBS trong cơ thể có thể thay đổi theo từng thời điểm nhất định, vì chúng sống tự nhiên trong hệ thống tiêu hóa, do đó phụ nữ mang thai được khuyến cáo xét nghiệm GBS trong tất cả các lần mang thai. Nhiễm trùng GBS có thể khiến em bé không khỏe, nhưng nếu được can thiệp điều trị kịp thời, hầu hết các em bé sẽ hồi phục hoàn toàn. [5]

Khi kết quả cho thấy thai phụ dương tính với GBS, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ nhằm ngăn ngừa nguy cơ gây nhiễm trùng đến thai nhi. Thông thường thai phụ sẽ được tiêm Penicillin – kháng sinh thường được sử dụng để phòng ngừa nhiễm GBS khởi phát. Nếu bệnh nhân có tiền dị ứng với Penicillin, các kháng sinh khác sẽ được sử dụng thay thế như Vancomycin, Clindamycin,… Tuy nhiên quá trình tiêm kháng sinh này bệnh nhân và bác sĩ cần phải trao đổi về các lợi ích và rủi ro của việc dùng thuốc kháng sinh khi chuyển dạ để ngăn ngừa nhiễm trùng GBS khởi phát sớm ở trẻ sơ sinh. 

Nếu em bé sau sinh có yếu tố nguy cơ nhiễm GBS và bệnh nhân đã không tiêm kháng sinh ít nhất 4 giờ trước sinh thì trẻ cần được theo dõi chặt chẽ về các dấu hiệu nhiễm trùng trong ít nhất 12 giờ đầu sau sinh. Việc theo dõi bao gồm đánh giá tình trạng chung của trẻ, nhịp tim, nhiệt độ, nhịp thở, khả năng bú hoặc nuốt sữa. Tỷ lệ trẻ sơ sinh bắt đầu phát triển nhiễm trùng GBS sau 12 giờ là rất thấp. [5]

Có thể thấy, việc phòng ngừa GBS tốt nhất chính là phải tầm soát đúng thời điểm theo khuyến cáo với mẹ bầu. Các phương pháp xét nghiệm thường dùng để tầm soát sẽ bao gồm nuôi cấy định danh và real-time PCR. Trong đó, Real-time PCR là phương pháp có độ nhạy, độ đặc hiệu cao và thời gian trả kết quả nhanh chóng. 

Tài liệu tham khảo:

[1] Nguyễn Thị Tuyến (2013), Liên cầu – Bài giảng Vi sinh Y học, Bộ môn Vi sinh vật, Trường Đại học Y Hà Nội, Tr.110 – 115/

[2] CDC – USA (1996), Prevention of perinatal group B Streptococcal disease: A public health perspective. MMWR, Vol.45 (7), pp.1-24.

[3] Hanh, Trần Quang. Nghiên cứu thực trạng nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B ở phụ nữ có thai và hiệu quả điều trị bằng kháng sinh trong chuyển dạ phòng lây truyền sang con tại bệnh viện sản nhi nghệ an (2018-2019). 2020.

[4] C.joubrel and et al (2015), Group B streptococcus neonatal invasive infections, France 2007-2012, Clinical Microbiology and Infection, Vol.21(10), pp.910-916.

[5] https://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/lam-me-an-toan/cham-soc-ba-me-mang-thai/nhiem-lien-cau-khuan-nhom-b-gbs-o-phu-nu-mang-thai/

[6] Bộ y tế (2017), Hướng dẫn thực hành kỹ thuật xét nghiệm vi sinh lâm sàng. NXB Y học, Hà Nội, Tr.44 – 48.

[7] Honest H, Shrama S, Khan Ks (2006). Rapid tests for group B streptococcus colonization in labouring women: a systematic review. Pediatrics, Vol.117(4), pp.1055-1066.

Công ty TNHH giải pháp y sinh ABT

ABT là một trong những công ty công nghệ sinh học hàng đầu, chuyên cung cấp các giải pháp hỗ trợ trong lĩnh vực chẩn đoán sinh học phân tử. Đồng thời, chúng tôi cũng là một cầu nối đưa các thành tựu nghiên cứu sinh học áp dụng gần hơn vào thực tiễn, đặc biệt trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19

liên hệ với chúng tôi

Nhà xưởng 6.07 và 5.02 , Lô L2, đường Long Hậu - Hiệp Phước, KCN Long Hậu, Ấp 3, Xã Long Hậu, Huyện Cần Giuộc, Tỉnh Long An, Việt Nam.

Số 1-3, Đường 13B, Phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM

0903 307 258
028 2216 0885

sales@abtvn.com

Lên đầu trang

Fatal error: Uncaught ErrorException: md5_file(/home/abtvnnet/abtvn.com/wp-content/litespeed/css/e4a7c81f08fd0b64c62d9ac67be8ccc7.css.tmp): failed to open stream: No such file or directory in /home/abtvnnet/abtvn.com/wp-content/plugins/litespeed-cache/src/optimizer.cls.php:140 Stack trace: #0 [internal function]: litespeed_exception_handler(2, 'md5_file(/home/...', '/home/abtvnnet/...', 140, Array) #1 /home/abtvnnet/abtvn.com/wp-content/plugins/litespeed-cache/src/optimizer.cls.php(140): md5_file('/home/abtvnnet/...') #2 /home/abtvnnet/abtvn.com/wp-content/plugins/litespeed-cache/src/optimize.cls.php(837): LiteSpeed\Optimizer->serve('https://abtvn.c...', 'css', true, Array) #3 /home/abtvnnet/abtvn.com/wp-content/plugins/litespeed-cache/src/optimize.cls.php(330): LiteSpeed\Optimize->_build_hash_url(Array) #4 /home/abtvnnet/abtvn.com/wp-content/plugins/litespeed-cache/src/optimize.cls.php(264): LiteSpeed\Optimize->_optimize() #5 /home/abtvnnet/abtvn.com/wp-includes/class-wp-hook.php(324): LiteSpeed\Optimize->finalize('<!DOC in /home/abtvnnet/abtvn.com/wp-content/plugins/litespeed-cache/src/optimizer.cls.php on line 140